Đi du lịch nhớ đừng ăn loại cá này nếu bạn muốn bảo vệ môi trường biển

hãy bảo vệ cá vẹt
5/5 - (1 bình chọn)

Khi ghé thăm quan và mua hải sản tại các chợ hải sản trong mùa du lịch biển nếu có nhìn thấy loại cá vẹt nhiều màu sắc thì bạn tuyệt đối đừng mua nhé. Bởi vì đây là loài cá ăn tảo và san hô chết giúp san hô phát triển khỏe mạnh góp phần bảo vệ môi trường biển.

Sẽ Ra Sao Nếu Cá Vẹt Biến Mất Khỏi Đại Dương?

Cá vẹt ăn san hô

Nếu cá Vẹt thực sự biến mất, môi trường sinh thái biển có thể bị phá vỡ! Điều đó thực sự rất kinh khủng đúng không?

Nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra bởi hiện nay, tình trạng đánh bắt tràn lan khiến số lượng cá Vẹt giảm đi đáng kể trong những năm qua. Cá vẹt bị đánh bắt số lượng lớn với mục đích thương mại, làm thực phẩm cho con người,….. Đặc biệt, những con cá lớn nhất và dễ mắc lưới nhất lại là những con đực. Điều này khiến vấn đề sinh sản và duy trì nòi giống ở cá Vẹt đang trở nên nghiêm trọng hơn bao hết. Theo các báo cáo mới nhất của các nhà khoa học, cá Vẹt ở vùng biển Caribbean đang bị sụt giảm trầm trọng và đáng báo động, số lượng để khai thác bền vững gần như không đủ.

Vì vậy, các rạn san hô Caribbean sẽ biến mất trong vòng 20 năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nếu các loài ăn cỏ như cá Vẹt không được bảo tồn và phát triển.

Cá Vẹt – Điều Cần Biết

Cần bảo vệ cá vẹt

Cá vẹt có tên tiếng Anh là Parrotfish, thuộc họ cá Scaridae (hay còn gọi là cá Mó). Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 80 loài cá vẹt, chúng có kích thước từ 20cm đến khoảng 120cm và thường sống ở các vùng biển, đại dương nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Chúng được biết đến với “ngoại hình” sặc sỡ, vẻ đẹp óng ánh với lớp vảy màu xanh lạ mắt. Ở Việt Nam, số lượng loài cá Vẹt được phát hiện là 43 loài trong đó có 13 loài thường gặp.

Sở hữu chiếc mỏ giống con vẹt, loài cá này được đặt tên là Vẹt. Bộ răng của chúng mọc nhô ra phía ngoài, to và cứng, nó còn được ví cứng hơn vàng, bạc. Mỗi con cá vẹt có khoảng 1.000 chiếc răng, sắp xếp trong 15 hàng, hợp nhất với nhau để đáp ứng được chế độ ăn đặc thù của chúng.

Đặc Điểm Khác Biệt Của Cá Vẹt

hãy bảo vệ cá vẹt

Không chỉ sở hữu vẻ ngoài bắt mắt, cá Vẹt còn vô cùng nổi tiếng với khả năng “thay hình đổi dạng”, biến hóa màu sắc và thậm chí cả giới tính trong vòng đời của mình. Loài cá này có rất nhiều điểm kì lạ và nổi bật mà đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải.

Cá Vẹt có thể thay đổi rất nhiều màu sắc khác nhau vào từng giai đoạn, từ lúc mới sinh, lớn lên cho tới trưởng thành. Bộ “trang phục” lung linh của cá Vẹt thực sự góp phần làm cho bức tranh đại dương và các rạn san hô thêm phần xinh đẹp, đa sắc màu hơn bao giờ hết.

Một điểm vô cùng đặc biệt và thú vị ở loài cá Vẹt chính là sự lưỡng tính. Trong quá trình trưởng thành và phát triển, cá Vẹt có thể thay đổi từ giới tính cái sang đực. Sở hữu sự “linh hoạt của giới tính” nên cá Vẹt đực có thể kiêm luôn vai trò sinh nở con cái. Đặc biệt, nếu cá Vẹt đực đầu đàn chết đi, bạn đời của nó sẽ chuyển đổi giới tính thành đực và tiếp tục duy trì ngôi vị đầu đàn. Tuy nhiên, những con cá Vẹt đực trưởng thành với kích thước lớn lại là mục tiêu đánh bắt “hàng đầu” của các ngư dân. Với tình hình như vậy, sự mất cân bằng giới tính của cá Vẹt sẽ diễn ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc duy trì nòi giống, đẩy loài cá này đến gần với “bờ vực” tuyệt chủng.

Dành hơn 90% thời gian trong ngày để “ăn” và “dọn vệ sinh đại dương”, cá Vẹt thường chỉ nghỉ ngơi vào buổi tối. Chúng thường trú ẩn dưới những mỏm đá ngầm để ngủ nhưng cũng khá nguy hiểm, bởi đây là thời điểm rất nhiều loài động vật săn mồi bắt đầu đi kiếm ăn. Vì vậy, để tự bảo vệ cho bản thân, cá Vẹt tự bao bọc mình bằng một chiếc kén trong suốt, được làm bằng chất nhầy tiết ra từ cơ quan trên đầu của chúng. Theo nhận định của các nhà khoa học, chiếc kén này được ví như một chiếc áo bảo vệ, giúp cá Vẹt che đậy mùi hương của chúng khỏi những kẻ săn mồi ban đêm của đại dương.

Vai Trò Của Cá Vẹt Với Hệ Sinh Thái Biển

Đừng ăn cá vẹt

Cá Vẹt thực sự rất cần thiết trong việc duy trì và phát triển các rạn san hô của tự nhiên. Vì vậy, chúng được mệnh danh là “cỗ máy tái tạo san hô”. Theo một vài nghiên cứu mới công bố gần đây, các rạn san hô – nơi có nhiều cá Vẹt sinh sống vào những năm 1980 là những rạn san hô khỏe mạnh nhất hiện nay. Vì vậy, nếu không có cá Vẹt, các rạn san hô sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng và không còn tồn tại.

Bạn biết không, san hô chính là món ăn yêu thích của cá Vẹt. Nhưng san hô cứng vậy thì sao cá Vẹt có thể “nghiền nát” được? Đừng lo lắng, chúng sẽ dùng hàm răng to, chắc khỏe để ăn thức ăn cứng như san hô chết, đá rêu, các loài tảo sinh ra từ các khối san hô bị vỡ,…. Ngoài ra, cá Vẹt còn có “bộ áo giáp” bằng vảy dày, cứng để bảo vệ chúng chống lại các cạnh nhọn của san hô nữa đấy.

Sau khi nuốt, san hô sẽ bị nghiền nát và được hấp thu hết các dưỡng chất, rồi thải phần bã ra ngoài dưới dạng cát. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ngư học về cá rạn san hô, trung bình mỗi con cá Vẹt có thể thải ra tới 320kg cát mịn trong một năm. Vậy 100 con sẽ “sản xuất” ra 3,2 tấn cát tự nhiên trong 1 năm, một số lượng rất lớn luôn đấy! Đây cũng chính là nguồn chất khoáng rất quan trọng cho san hô mới hình thành và phát triển.

Hơn thế nữa, khi ăn các loại tảo bám trên san hô, cá Vẹt đã góp phần to lớn để ngăn chặn tảo nở hoa gây nguy cơ tẩy trắng san hô và dẫn đến việc san hô bị chết. Cá Vẹt thực sự rất “tuyệt” đúng không?

Hãy nói KHÔNG với việc tiêu thụ cá Vẹt! Chỉ cần mỗi một người ý thức không mua cá Vẹt thì chúng sẽ không bị đánh bắt nữa.

Hãy chung tay bảo vệ cá Vẹt – “người công nhân” chăm chỉ của đại dương các bạn nhé!

Xem bài viết những món ăn kết hợp với nhau sẽ gây ngộ độc tại đây: https://nuocmamtin.com/mon-an-ket-hop-voi-nhau-gay-ngo-doc/

Hoặc xem bài viết 15 mẹo trong nhà bếp tại đây: https://nuocmamtin.com/meo-nha-bep-hay/