Những loại mắm được làm từ hải sản

5/5 - (1 bình chọn)

Nhắc tới mắm thì chắc hẳn đa số chúng ta sẽ đều nghĩ đến cá. Hình ảnh người ngư dân đánh bắt cá làm mắm ủ chượp trong lều gỗ có lẽ đã có quen thuộc trong tâm trí mỗi con người Việt Nam. Thế nhưng có mấy ai biết về những loại mắm không phải làm từ cá mà từ các loại hải sản khác? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu thêm về các loại mắm làm từ hải sản.

Mắm Tôm

Mắm tôm là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi và muối ăn

Mắm tôm là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng, có thể hơi khó ăn so với một số người nhưng một khi đã ăn rồi thì có thể “nghiện”.

Mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã miền quê, nhất là những món miền Bắc như cà pháo dầm mắm tôm, nộm rau muống,… Ngày nay, được nhắc đến nhiều nhất khi ăn với mắm tôm chính là món bún đậu. Thêm với một chút mỡ rán nóng khi được dùng để ăn với bún đậu mắm tôm hay chả cá Lã Vọng là cách thưởng thức được ưa chuộng bởi nhiều người. Các món nước như bún riêu và bún thang cũng được nêm với mắm tôm, lấy vị mặn của mắm tôm để quyện lấy các mùi vị khác, tạo nên một bát bún đậm đà hương vị.

Mắm Cáy

Bát mắm cáy sóng sánh hơi ngả hồng, thơm đậm, vắt chanh vào nhanh tay khuấy cho sủi bọt

Nhắc tới Thanh Hà, Hải Dương, ngoài đặc sản vải thiều, người dân nơi đây còn có món mắm cáy dân dã. Bát mắm cáy sóng sánh hơi ngả hồng, thơm đậm, vắt chanh vào nhanh tay khuấy cho sủi bọt là bạn đồng hành của nhiều món quê như rau muống, rau lang, bầu bí luộc, thịt luộc, dưa cà…

Mắm cáy là loại mắm được làm từ một loại cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải, gọi là con cáy. Mắm cáy có màu vừa xanh vừa nâu, rất thích hợp để làm đồ chấm rau lang luộc. Đây là món ăn dân dã của vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ. Mắm cáy ngon nhất là mắm cáy xay. Cáy được làm sạch, bóc yếm, mai rồi xóc muối, để ướp chừng 15 phút cho thấm gia vị rồi đem xay hoặc giã nhuyễn. Sau đó cho vào chai hoặc chum, vại bảo quản. Ngoài ra còn có loại mắm cáy cả con. Người ta thường ăn mắm cáy với rau luộc (rau muống, rau khoai lang, rau dền,…), dưa muối, cà muối chấm mắm cáy hoặc với bún, thịt ba chỉ luộc, giò lụa, và ít rau kinh giới.

Xem thêm bài viết những lợi ích tuyệt vời của rong biển với sức khỏe tại đây: https://nuocmamtin.com/loi-ich-cua-rong-bien-voi-suc-khoe/

Mắm Ruốc

Mắm ruốc được làm từ ruốc - một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm

Mắm ruốc được làm từ ruốc – một loại tôm nhỏ nhưng màu sắc và mùi vị khác hoàn toàn mắm tôm, có thể nói là mùi nhẹ hơn và vị dịu hơn. Ăn mắm ruốc muốn mùi vị được thơm ngon hơn thì cần thêm gia vị. Như đã nói ở trên, mắm ruốc thường có mùi thơm, không tanh như mắm tôm và có màu sắc đậm hơn màu của mắm tôm rất nhiều. Mắm ruốc thường được sử dụng như là một loại gia vị trong chế biến món ăn và có thể dùng như một loại nước chấm nhưng rất ít. Còn mắm tôm thì đa số được dùng như là một loại nước chấm. Người ta thường dựa vào thời gian ủ để phân biệt giữa mắm ruốc và mắm tôm: Đối với mắm ruốc, thường người ta phải ủ trong ít nhất khoảng 6 tháng hoặc hơn nữa, thậm chí đến 10 tháng mới có thể thu được thành phẩm. Trong khi đó, mắm tôm có thời gian ủ ngắn hơn rất nhiều, thường thì trong vòng 1 – 3 tháng là hoàn thành một mẻ mắm tôm.

Gia vị chủ yếu của mắm ruốc là gừng, riềng giã nhỏ, vắt một ít nước chanh rồi khuấy đều lên là vừa. Mắm ruốc để ăn không với cơm cũng ngon vì có vị mặn rất bắt cơm. Hoặc có thể dùng để chấm rau, cho thêm ít nước sôi hoặc nước cơm cho loãng ra là có một thứ nước chấm rất đặc trưng của vùng biển. Nhưng nhắc đến mắm ruốc thì không thể nào không nhắc đến món ăn vặt xoài non chấm mắm ruốc. Đây là món ăn vặt gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người Việt Nam.

Mắm Rươi

Mắm rươi là một trong những loại mắm ngon nổi tiếng của người dân vùng ven biển Việt Nam

Mắm rươi là một trong những loại mắm ngon nổi tiếng của người dân vùng ven biển Việt Nam và cả thị dân Hà Nội một thời, thường dùng để chấm các món ăn như các loại rau, thịt ba chỉ luộc, tôm he, ruốc bông.

Mắm rươi được ăn một cách đơn giản bằng cách vắt thêm tí chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho các loại thức ăn rất ngon miệng, thậm chí chỉ trộn với cơm nguội ăn cũng rất ngon. Tuy nhiên, người sành điệu ăn mắm rươi hết sức cầu kỳ với những nguyên liệu khá phức tạp, bao gồm hàng chục thứ rau khác khau và có hai cách ăn chính là ăn mắm sống và mắm chưng:

Mắm sống cho vào bát, trộn với vỏ quýt băm nhỏ, gừng non thái chỉ và lạc rang giã dập, rắc ít tôm he xé thật bông hoặc ít ruốc lên trên. Đĩa thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò luộc thái mỏng để sẵn. Rau cần và rau cải cúc, hai loại rau không thể thiếu cho một bữa mắm rươi, được rửa sạch cắt khúc ngắn vừa ăn xếp trong đĩa. Ngoài ra có thể còn có rau húng thơm, xà lách, hành hoa cắt khúc, rau mùi. Khi ăn cho thịt và các loại rau vào bát, rưới mắm rươi lên trên, trộn đều và ăn. Cầu kỳ hơn thì có thể dùng lá nem gói các nguyên liệu trên chấm vào bát mắm rươi.

Mắm chưng: Cho mắm vào chưng với trứng, chút đường và rượu trắng, chưng gần đặc thì cho thêm vỏ quýt thái chỉ và lạc rang giã nhỏ vào. Món mắm chưng cũng ăn với các nguyên liệu (thịt ba chỉ, rau) tương tự như mắm sống ở trên, ngoài ra nếu ăn kèm một hai nhánh tỏi tươi sẽ thơm ngon hơn.

Vũ Bằng, trong chương 9 cuốn Ẩm thực Hà Nội cho rằng mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu và ông nhận xét không thể nào quan niệm được một bữa mắm rươi “ra giáng” mà lại thiếu hai món rau quan yếu đó. Thiếu nó, thật y như một người đàn bà đẹp mà vô duyên: tẻ lắm

Mắm Sò

Mắm sò sẽ rất thơm ngon khi ăn với cơm nóng

Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nhiều loại đặc sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, mực, sò lông, sò huyết, vẹm, hầu… nhờ sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên biển, đầm phá bao bọc.

Mắm sò sẽ rất thơm ngon khi ăn với cơm nóng hoặc có thể trở thành món nước chấm khi sử dụng thêm rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ đảm bảo khi ăn sẽ có vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ. Món mắm sò Lăng Cô chắc hẳn du khách sẽ không còn xa lạ, nhưng để thưởng thức đúng thời điểm và hương vị của mắm thì có lẽ vẫn còn nhiều hạn chế. Qua bài viết này, chúng tôi muốn đưa đến cho du khách món mắm sò địa phương dân dã thơm ngon, ăn mãi không chán, có thể dùng trong các bữa ăn hàng ngày, các buổi tiệc hoặc dùng làm quà biếu cho bạn bè thì quả là rất quý. Mắm sò kẹp thịt ba chỉ không quá bình dân nhưng cũng chẳng phải cao sang nhưng lại đọng vào lòng người tất cả những gì của các vị giác cay, chua, mặn, ngọt khi biết kết hợp hài hòa các yếu tố tạo nên hương vị mắm sò Lăng Cô.

Trên đây là tổng hợp những loại mắm làm từ hải sản. Mắm luôn là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là trong bữa ăn của người Việt Nam chúng ta. Hy vọng qua bài viết trên, độc giả có thể biết rõ hơn về những loại mắm khác nhau và chọn được cho mình loại mắm ngon, phù hợp, góp phần làm cho bữa cơm thêm phong phú và đậm đà.