Nước mắm cà cuống – Một loại nước chấm “không phải ai cũng biết”

nước mắm cà cuống
3.3/5 - (3 bình chọn)

Nước mắm cà cuống là gì? Nghe tên khá là lạ, nhưng đây là một loại nước mắm đặc sản, nổi tiếng ở Hà Nội. Cùng Nước mắm Tĩn khám phá ra loại nước mắm lạ và đặc biệt này nhé!

Cà cuống là gì? 

Cà cuống (tên khoa học là Belostoma indica Vitalis ( Lethocerus indicus Lep)) hay dân gian thường gọi là con sâu quế, đà cuống. 

Con cà cuống

Cà cuống có cơ thể hình lá, dẹt giống con gián nhất là khi còn non. Có màu nâu xám pha vàng nhạt, có nhiều vạch đen bóng.  Có chân khỏe và dẹt, bộ cánh thường cứng không đều. Lưng, ngực phát triển, dưới ngực cà cuống đực, có hai túi nhỏ và dài (gọi là bọng cà cuống) chứa một chất lỏng trong, mùi thơm mạnh, đó là tinh dầu. Đối với cà cuống tinh dầu là một loại vũ khí lợi hại để tấn công con mồi, xua đuổi địch thủ và dụ con cái đến giao phối. Và cũng là phần có giá trị dinh dưỡng cao nhất của Cà cuống. 

Thường thì cà cuống phân bố chủ yếu ở miền Viễn Đông (Liên Bang Nga) và vùng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Australia. Ở Việt Nam, cà cuống có ở các tỉnh từ Bắc vào Nam, nhưng nhiều nhất ở miền Bắc. Sống ở ruộng nước, hồ ao,… Nhưng hiện nay do môi trường bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu và phân hóa học đã làm cho loài côn trùng này trở nên hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Tác dụng của cà cuống đối với sức khỏe

Theo y học, tinh dầu cà cuống được dùng như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục. Tuy nhiên, chỉ được dùng với liều lượng rất nhỏ để tránh gây độc. Trong dân gian, vẫn thường dùng dầu cà cuống với lượng rất nhỏ khi ăn những món ăn nhiều dầu mỡ. 

Theo Đông y, cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình, không độc thường được sử dụng làm trong các bài thuốc bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Và đặc biệt sử dụng chế biến làm thức ăn cho con người. 

Theo sử sách thì từ 200 năm trước công nguyên, cà cuống đã được xếp vào loại sơn hào hải vị của người Việt để cống nạp cho Trung Hoa với tên gọi là sâu quế. Cũng là món ăn rất được tầng lớp vua chúa phong kiến yêu thích. 

Cà cuống

Tại Miền Bắc Việt Nam, cà cuống được loại bỏ chân, cánh, đuôi phụ những bộ phận xơ cứng, khó ăn rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng lên lò than để ăn. Cũng có người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm, nên thường người ta chỉ ăn trứng và thịt hoặc đem rang, chiên lẫn với cà cuống đực để thành một món cà cuống chiên ngon. 

Bọng tinh dầu ở ngực dưới của cà cuống đực, thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn vì chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống. 

Ngoài ra, trong trứng và thịt của cà cuống có chứa rất nhiều hàm lượng protein, lipid cùng các loại vitamin khác. Chúng là những dưỡng chất cần thiết, giúp bồi bổ và phục hồi sức khỏe rất tốt cho cơ thể chúng ta. 

Nước mắm cà cuống là gì? Cách làm như thế nào?

Với số lượng ít cà cuống hiện nay người ta thường pha vào nước mắm ngon, khi sử dụng thì lấy vài giọt để pha vào vào một số món ăn. Pha vào nước mắm dùng cho bún chả, pha vào mắm tôm khi ăn chả cá. Hay thêm nước mắm cà cuống vào giò lụa, nhân bánh chưng giúp món ăn trở nên dậy vị và đặc biệt hơn. 

Vậy cách để chế biến món nước mắm cà cuống như thế nào? Cùng tham khảo cách làm sau đây nhé: 

Chuẩn bị nguyên liệu 

Chuẩn bị nguyên liệu
  • Cà cuống (chuẩn bị có ít nhất 1 con cà cuống đực)
  • Nước mắm ngon 
  • Nước lọc 
  • Đường
  • Bột ngọt
  • Củ tỏi
  • Chanh 
  • Ớt sừng

Tiến hành chế biến ước mắm cà cuống

  • Làm sạch cà cuống bằng cách lặt bỏ đầu đuôi, rút ruột, nướng chín vàng, đem băm thật nhuyễn rồi cho vào 1 chút nước lọc, vắt lấy nước bỏ xác. 
  • Pha hỗn hợp nước mắm, nước lọc, đường, bột ngọt cho vào nồi nấu sôi, hớt bọt và để thật nguội. 
  • Tỏi bóc sạch vỏ, ớt đem đi băm nhuyễn. 
  • Chanh gọt vỏ, lấy phần cơm, rán nhuyễn. 
  • Củ cà rốt gọt vỏ, thái sợi bóp với muối, rửa sạch rồi vắt khô.
  • Hòa chung nước cà cuống, hỗn hợp nước mắm đã để nguội, thêm tỏi, ớt, chanh để có được nước mắm cà cuống.

Thành phẩm: Nước mắm cà cuống có vị hơi hăng, cay cay hòa lẫn với vị mặn đậm đà. Một loại nước chấm với hương vị vô cùng độc đáo. 

Nước mắm cà cuống

Một số lưu ý: 

  • Mỗi lần sử dụng chỉ lấy ra một vài giọt. Dùng để làm gia vị cho một số món ăn. Như bún chả, bánh cuốn, bún thang,….
  • Tinh dầu cà cuống tự nhiên rất dễ bay hơi, cho dù có đậy kỹ. Vì thế người ta phải pha chế thành nước mắm cà cuống để giữ cho tinh dầu không bị bay hơi. Khi cần dùng chỉ cần nhỏ 1-2 giọt nước mắm này vào chén nước mắm đã pha sẽ có mùi cà cuống thơm ngậy. Với cách làm này, hương vị cà cuống có thể giữ được quanh năm. 
  • Tinh dầu cà cuống có mùi thêm êm ái, cao sang mà bất cứ một loại gia vị nào cũng không thể sánh được. 

Lời kết

Hiện nay, vì cà cuống ngày càng trở nên quý hiếm và khó tìm nên tinh dầu cà cuống đã được làm nhân tạo. Nhưng hương vị nước mắm cà cuống bây giờ có lẽ thua xa cà cuống từ tự nhiên. Cà cuống vẫn luôn là một loại thực phẩm, một loại thuốc quý trong Y học cổ truyền vừa thơm ngon lại rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.