Kể chuyện Bà chín lâu và hãng nước mắm hồng hương

Bà hàm hộ nước mắm Nguyễn Thị tuất của hãng nước mắm Hồng hương
5/5 - (1 bình chọn)

Nước mắm Hồng Hương – một trong những hàng sản xuất nước mắm lớn tại Phan Thiết ngày xưa – cái nôi nước mắm Việt Nam. Với những người thuộc thế hệ trước, đặc biệt là dân sành nước mắm thì không thể không biết hãng nước mắm Hồng Hương với logo hình “con tôm” vô cùng nổi bật. Với sự cạnh tranh khốc liệt của ngành nước mắm truyền thống, Hồng Hương dưới bàn tay lèo lái của bà Chín Lâu đã tạo dựng được một vị trí vững chắc, khẳng định chất lượng vượt trội và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nước mắm Hồng Hương tuy được bán với giá cao hơn, nhưng vẫn chiếm được thị phần tiêu thụ lớn ở Việt Nam. Đây còn là “mẹ đẻ” của các hãng nước mắm khác như Hồng Sanh, Hoa Hương,….. do các con của bà lập nên. Nước mắm Hồng Hương – Chất lượng tạo nên thương hiệu, thương hiệu khai sinh thương hiệu !

Tuổi thơ đầy cơ cực của “bà chủ” Hồng Hương

Bà hàm hộ nước mắm Nguyễn Thị tuất của hãng nước mắm Hồng hương

Vào cuối năm Mậu Tuất 1898, đứa con thứ chín của một ngư dân nghèo cất tiếng khóc chào đời và được cha mẹ đặt cho cái tên là Trương Thị Tuất. Sinh ra vào lúc trời trở gió bấc, cha không đi biển được, nhà lại đông con nên luôn trong tình trạng bữa đói bữa no. Đến khi người vợ ngất vì lả sức sau sinh, trong nhà cũng không có nổi thứ gì để bồi bổ. Người chồng phải sang hàng xóm “vay” ít gạo để nấu cháo loãng và nước mắm cho vợ, các con ăn.

Càng lớn, Trương Thị Tuất càng siêng năng, chăm chỉ. Được trời phú cho sức khỏe, Tuất làm việc cả ngày từ rạng sáng cho đến mờ tối. Cô dậy thật sớm để gánh cá đổ vào thùng lều cho chủ, sau đó theo anh chị đi cào muối thuê, chiều về dọn dẹp vệ sinh lều mắm,…cô làm tất cả mọi việc để có thể phụ giúp thêm cho cha mẹ. Vì cuộc sống quá khó khăn, nên không giống những cô gái khác, hơn 20 tuổi Tuất mới dám nghĩ đến việc lấy chồng. Tuất và Cang gặp nhau khi gánh cá vào lều, đó là chàng trai rất đặc biệt, chưa bao giờ chọc ghẹo, trêu đùa Tuất hay những người con gái khác. Cang là một chàng trai hiền lành, chất phát và khiến trái tim Tuất rung động. Sau khi về thưa chuyện với cha mẹ, Tuất và Cang chính thức nên duyên vợ chồng. Nhưng vì Tuất lấy chồng khi đã “quá lứa” nên mọi người thường gọi đùa cô bằng cái tên Chín Lâu. Lâu dần thành quen, nó trở thành tên thường gọi lúc nào chẳng hay.

Quyết tâm khởi nghiệp để thoát nghèo

Yên bề gia thất nhưng hai vợ chồng không có nỗi một chỗ ở riêng. Cuộc sống cứ nay đây mai đó, bấp bênh không một chỗ dựa, khiến vợ chồng Chín Lâu quyết dành dụm, tằn tiện. Đến năm 1923, họ mới mua được một mảnh đất nhỏ ở làng Đức Thắng hẻo lảnh. Có nơi trú nắng trú mưa ổn định, ngoài đi làm thuê thì vợ chồng còn muối vài thùng nước mắm nhỏ để bán lẻ, kiếm thêm thu nhập. “Nhờ” tuổi thơ đã gắn bó với cá, muối,….mà nước mắm nhà Chín Lâu ủ ra ai cũng khen ngon và mua ủng hộ. Tiếng “ngon đồn xa”, nước mắm “thương hiệu” Chín Lâu ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng nước mắm bán ra cứ tăng lên qua từng ngày. Từ vài mái mắm nhỏ, vài thùng mắm nhỏ cho đến một thùng lều, hai rồi lều và qui mô ngày càng lớn.

Thật ra, nước mắm của vợ chồng Chín Lâu chỉ được làm theo kĩ thuật muối cá truyền thống, nhưng ẩn chứa bên trong hương vị đặc biệt ấy là sự cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, kĩ lưỡng trong thời gian ủ chượp cá và muối, tỉ lệ ướp phải vừa đủ, đủ để cá và muối hòa trộn với nhau,….và cả tâm huyết, công sức của người ủ chượp. Nhờ vậy, nước mắm nhà Chín Lâu càng ngày càng được nhiều người ưa chuộng và tìm đến mua. Một truyền mười, mười truyền trăm, tiếng vang về loại nước ngon đặc biệt được nhiều người biết đến, lượng nước mắm bán ra ngày càng nhiều. Đến năm 1927, qui mô và sản lượng sản xuất tăng lên đáng kể, nước mắm Chín Lâu chính thức “gia nhập” ngành sản xuất nước mắm truyền thống Phan Thiết với tên gọi “Hồng Hương”

hãng nước mắm truyền thống ngon Hồng hương
Nước mắm Chín Lâu chính thức “gia nhập” ngành sản xuất nước mắm truyền thống Phan Thiết với tên gọi “Hồng Hương”

Lí giải về cái tên “Hồng Hương”, bà Chín Lâu giải thích rằng: Vì nước mắm truyền thống ngon, đúng chuẩn và chất lượng thì sẽ có màu hồng tươi và mùi thơm đặc trưng của tinh chất cá và muối. Với sự chăm chỉ, chịu khó và tâm huyết, chỉ sau vài năm, thương hiệu nước mắm Hồng Hương đã vượt ra khỏi Phan Thiết và có mặt tại Sài Gòn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với những hàm hộ Phan Thiết chính là vận chuyển. Bởi lúc bấy giờ, đường bộ ở Phan Thiết – Sài Gòn chưa phát triển, việc đi lại vô cùng khó khăn. Vận chuyển hàng hóa, giao thương phụ thuộc lớn vào đường thủy. Trong khi các hãng nước mắm khác phải thuê ghe hoặc chỉ đầu tư 1-2 chiếc để vận chuyển nước mắm đi bán, thì bà Chín Lâu đầu tư hẳn một đội ghe với hơn 10 chiếc.

Đây cũng là một trong những lí do khiến nước mắm Hồng Hương có thể thuận lợi chiếm lĩnh thị trường Sài Gòn. Từ đây, nước mắm Hồng Hương dần khẳng định được chất lượng và được nhiều người tin dùng. Thừa thắng xông lên, bà Chín Lâu tiếp tục mang nước mắm Hồng Hương ra tận miền Bắc, miền Trung và đi khắp Lục tỉnh Nam Kỳ.

Đến năm 1933, nước mắm Hồng Hương đã “chiếm lĩnh” toàn bộ thị trường Phan Thiết với số lượng và sản lượng nước mắm xuất xưởng luôn đạt nhiều nhất. Tại Sài Gòn, Hồng Hương vẫn tiếp tục được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá thành có cao hơn so với những sản xuất nước mắm khác. Qui mô sản xuất ở đây được mở rộng hơn, sản lượng sản xuất tăng cao để phục vụ không chỉ ở Sài Gòn và còn cả khu vực miền Nam. Đó là điều mà không phải hãng sản xuất nước mắm nào cũng có thể làm được.

Đặc biệt, nước mắm Hồng Hương còn được người Hoa vô cùng ưa chuộng. Nhiều người còn khẳng định: chỉ ăn nước mắm Hồng Hương, còn loại khác thì không. Nhờ vậy, nước mắm Hồng Hương từ Phan Thiết vào Sài Gòn luôn được người Hoa mua với số lượng lớn, sau đó họ phân phối và bỏ sỉ lại cho cả khu vực Chợ Lớn. Nhu cầu tiêu thụ vô cùng lớn, nước mắm Hồng Hương sản xuất ra bao nhiêu cũng không kịp bán.

Kinh doanh thuận lợi, vợ chồng Chín Lâu đã mua và mở thêm nhiều sở lều nước mắm để đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Ban đầu, chỉ với 1 vài thùng mắm nhỏ, nhưng sau 15 năm cố gắng không ngừng, nước mắm Hồng Hương đã phát triển và mở rộng qui mô lên đến 20 sở lều. Mỗi sở lều rộng đến hàng hecta tại Phan Thiết và Phan Rí. Đến nỗi còn đường Duy Tân (đường Nguyễn Văn Trỗi ngày nay) còn được nhiều người gọi vui là “đường Hồng Hương”, bởi ở đây đa phần đều là sở lều của nước mắm nhà Chín Lâu.

Bí mật làm nên hương vị của nước mắm Hồng Hương

Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra, tại sao cũng với 2 nguyên liệu chính là cá và muối ở Phan Thiết, nhưng nước mắm Hồng Hương lại vang danh khắp xứ với hương vị vô cùng đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Với những người khó tính, ăn nước mắm Hồng Hương rồi sẽ nhớ mãi vị ngon ấy. Vậy bí quyết gì để tạo nên “hương vị Chín Lâu” là gì ?

Theo những nghệ nhân làm mắm lâu đời kể lại, nước mắm Hồng Hương sẽ ủ chượp cá tươi và muối theo tỉ lệ 3:1, cứ 3 tấn cá sẽ ướp với 1 tấn muối

Theo những nghệ nhân làm mắm lâu đời kể lại, nước mắm Hồng Hương sẽ ủ chượp cá tươi và muối theo tỉ lệ 3:1, cứ 3 tấn cá sẽ ướp với 1 tấn muối. Sau khi ủ chượp và chắt lọc ra nước mắm thành phẩm, bà Hồng Hương sẽ cho toàn bộ vào thùng lớn 12.000 lít, rồi trộn đều với 3-4 xe bò nước hến lấy từ giếng dọc. Đó là loại nước giếng đào trên động cát có màu trắng đục ở gần khu vực có những lò tĩn. Sau khi trộn đều nước mắm với nước hến này, nước mắm Hồng Hương sẽ dịu hơn, có vị ngọt nhẹ đặc trưng và để để lâu vẫn không bị hư.

“Bí quyết” đặc biệt là hầu như những nhà hàm hộ khác đều biết, cũng có rất nhiều người đã áp dụng thử nhưng đều thất bại, đều không thể tạo ra được hương vị đặc trưng “độc nhất” của nước mắm Hồng Hương. Đến tận bây giờ, đó vẫn là “bí mật” của thương hiệu nước mắm nhà Chín Lâu mà chưa ai khám phá ra được.

Xem thêm lịch sử hình thành của nước mắm Phan Thiết: https://nuocmamtin.com/lich-su-hinh-thanh-nganh-nuoc-mam-phan-thiet/

Nước mắm Hồng Hương – thương hiệu “sinh” thương hiệu.

Những người con của vợ chồng bà Chín Lâu sau này đều nối nghiệp và mở hãng sản xuất nước mắm. Với sự giúp đỡ về kinh nghiệm và hỗ trợ về vốn, các con bà dần tạo dựng được cơ ngơi riêng từ nước mắm. Trong đó, có thể kể đến hãng nước mắm Hồng Sanh của người con gái thứ bảy. Đây được xem là “hậu duệ” nước mắm ưu tú nhất của Hồng Hương, khi “chiếm lĩnh” được toàn bộ thị trường rộng lớn ở miền Trung – Tây Nguyên. Ngoài ra, con rể thứ bảy của bà là Dương Quang Thiết cũng là một người vô cùng tài giỏi và am hiểu về nước mắm. Sau này, ông Thiết đã trở thành chủ tịch nghiệp đoàn hàm hộ Phan Thiết.

Bên cạnh đó, có thể kể đến hãng nước mắm Hoa Hương của người con gái thứ ba, nước mắm Hồng Xuyên của em gái bà Chín Lâu,…… dù không tạo được tiếng vang lớn như nước mắm Hồng Sanh, nhưng các thương hiệu nước mắm được bà Chín Lâu dìu dắt đều phát triển và có được chỗ đứng riêng trong ngành sản xuất nước mắm nguyên chất, truyền thống tại Phan Thiết.

Con rể được truyền nghề sản xuất nước mắm truyền thống của bà Chín Lâu
Đặc biệt, trong số các con của bà Chín Lâu, có người con trai trưởng Nguyễn Văn Sâm là không nối nghiệp nước mắm của gia đình

Đặc biệt, trong số các con của bà Chín Lâu, có người con trai trưởng Nguyễn Văn Sâm là không nối nghiệp nước mắm của gia đình. Ông tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc. Đến khi đất nước giải phóng, ông trở vào Nam và công tác tại Quân khu 7 với quân hàm đại tá quân đội nhân dân Việt Nam.

Nước mắm Phan Thiết  Hồng Hương – vang bóng một thời

Thương hiệu nước mắm Hồng Hương qua bao năm vẫn do chính hai vợ chồng bà Chín Lâu lèo lái. Nhưng năm 1957, khi ông Nguyễn Văn Cang mất, sau một thời gian, bà Hồng Hương đã giao quyền điều hành lại cho vợ chồng người con trai thứ. Sau này, giao lại cho vợ chồng người con gái lớn quyền quản lí.

Tuy nhiên, điều khiến bà Chín Lâu nuối tiếc mãi sau này chính là không thể bảo vệ được thương hiệu nước mắm Hồng Hương có tuổi đời gần 100 năm. Bởi bà đã bị mất quyền sở hữu thương hiệu vào tay một người bạn. Người đó đã nhanh tay đăng ký và đã được Cục Sở hữu công nghiệp cấp chứng nhận độc quyền thương mại năm 1994.

nước mắm Phan Thiết Ngân Hương
Thương hiệu nước mắm Hồng Hương qua bao năm vẫn do chính hai vợ chồng bà Chín Lâu lèo lái

Mất đi thương hiệu do cha mẹ cả đời gây dựng, bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân đành phải lấy thương hiệu mới là nước mắm Ngân Hương. Nhưng do đã quá quen với thương hiệu cũ, lại không được nhiều người biết đến nên Ngân Hương không thể có được sự phát triển lớn mạnh như dưới thời bà Chín Lâu. Cho đến cách đây vài năm, nước mắm Ngân Thương cũng đã dừng sản xuất, bởi con cháu không còn ai mặn mà để kế nghiệp nước mắm nữa.

Dù thương hiệu nước mắm Hồng Hương không còn được hậu duệ của bà Chín Lâu kế nghiệp nữa, nhưng nhắc đến Hồng Hương, người ta sẽ nhớ ngay đến người phụ nữ vươn lên từ nghèo khó và gây dựng được một cơ ngơi nước mắm vững chắc. Bà cũng là người đã có những đóng góp to lớn cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Phan Thiết, mang thương hiệu nước mắm quê hương đi khắp dải đất hình chữ S và được nhiều người ưa dùng.

Xem thêm bài viết của hãng nước mắm truyền thống Hồng Sanh tại: https://nuocmamtin.com/hong-sanh-va-nhung-cau-chuyen-bi-mat-cua-nghe-nuoc-mam/